Tổng quan về Phong Thủy Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm Quận 2

Từ những năm 2000. TP HCM đã có những qui hoạch phát triển cho tương lai khi mong muốn Quận 2, đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành một trung tâm Thương mại – Tài chính của TP nhằm có những bước đột phá chuyên sâu trong lĩnh vực này trong thời kỳ mới. Gần 10 năm trôi qua, cũng có một số nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn trong và ngoài nước tới xem xét. Nhưng việc phát triển Quận 2 theo đúng quy hoạch gần như vẫn còn chưa hoàn thiện.

Nhìn trên bản đồ Thành phố HCM, có thể thấy lợi thế của bán đảo Thủ Thiêm nằm ngay giữa khu vực trung tâm của TP. Theo qui hoạch bán đảo Thủ Thiêm có vị trí rất thuận lợi về giao thông:
Là cửa ngõ của TP, điểm đầu của nút giao thông xa lộ Hà nội đi các tỉnh phía Bắc, đại lộ Đông Tây đi qua khu vực bán đảo Thủ Thiêm nối liền các tỉnh miền Tây với miền Đông Nam bộ, khoảng cách từ bán đảo Thủ Thiêm đi sân bay quốc tế Long Thành – Đồng Nai trong tương lai cũng không phải là quá xa khi lưu thông bằng xa lộ.

Đã có những phong thủy gia ca ngợi vị trí đắc địa của bán đảo Thủ Thiêm với những khái niệm chuyên môn, mà chúng ta có thể thấy được qua bài viết trên báo TT&VH sau đây:

 

Sài Gòn nhận về mình vẻ hài hòa của núi non, sông nước tạo nên bản sắc phong thủy hữu vận lai niên. Nơi vượng khí hội tụ nhiều nhất, không phải nằm bên hữu ngạn dòng sông, tức là trung tâm thành phố bây giờ, mà chính là nơi sông ngòi uốn khúc giao nhau, như sách “Sơn thủy trung can tập” viết: “Núi hướng về không bằng có dòng nước hướng về, dòng nước hướng về không bằng có dòng nước vây quanh, dòng nước vây quanh không bằng có dòng nước tụ. Dòng nước tụ thì long hội, long hội thì đất lớn”. Vậy nên, vùng đất hiệp lộ như ý nhất theo phong thủy chính là vùng đất Thủ Thiêm ngày nay.

* Đất Thủ Thiêm: chân long chính mạch

Vùng đất Thủ Thiêm được các nhà phong thủy gọi là chân long, nơi hội tụ sinh khí dồi dào nhất của cả vùng Đông Nam Bộ. Trước khi giao nhau với sông Đồng Nai để đổ ra biển, sông Sài Gòn đã uốn lượn rất đẹp và ôm lấy đất vùng Thủ Thiêm, dáng sông thế này gọi là đại cát, rất tốt đẹp cho cơ nghiệp và vinh hiển cho công danh. Sau khi uốn khúc ở Thủ Thiêm, sông Sài Gòn đổ ra giao với sông Đồng Nai, tạo ra vượng khí cho vùng đất trù phú này. Thủ Thiêm được sinh ra để ưu ái lĩnh nhận trọn vẹn tất cả sinh khí hưng vương của dòng chảy ấy. Ngày xưa, những nơi thủy địa đẹp như vậy được dùng làm nơi xây cất thành trì cũng như định đặt lăng mộ của các vua chúa. Sách Thủy Long Kinh (NXB Hải Phòng, 2007) chép: “Cần long quẩn quanh, ôm ba mặt, hình dáng giống như kim thành, đến đi có tình, khí thế lớn, có thể chọn làm lăng của đế vương”. Xét ra trong lịch sử Trung Hoa, minh chứng cho điều này có thể tìm thấy chẳng mấy khó khăn. Khu táng mộ của vua chúa đời Ân Thương nằm ở đoạn uốn khúc của sông Hoàng Hà, khu phủ Liễu Châu ở Quảng Tây cũng nằm trong thế hồi hoàn ba mặt của nhánh Liễu Giang (Giang Tây), khu Lang Trung Cực ở Tứ Xuyên cũng được dòng nhánh Gia Lăng Giang của Trường Giang quấn lấy… Những triều đại và phủ thành được kể trên đều được đặt trong những nơi đại cát về phong thủy, thế nên, lịch sử tồn tại đều trên dưới 1000 năm, hưng thịnh lưu truyền đến cả các đời hậu thế. Cần nói thêm là dáng khúc của sông Sài Gòn khi đến gần thành phố đã uốn khúc rất nhiều lần, khi chảy đi lại quay đầu thêm hai lần nữa (hai lần khúc sông uốn cong trở lại), tạo ra hình dáng cát nhất trong thủy pháp. Sách xưa viết: “Làm quan thanh quý, thường là vì dòng nước vây quanh Thanh Long; được phúc dài lâu, nhất định là dòng nước quẩn Huyền Vũ”. Nếp sông uốn khúc đem lại cho Sài Gòn sự phồn thịnh, hưng túc hiếm có. Nhưng để hưởng được vượng khí lưu niên của toàn cõi Đông Nam Bộ này, không đâu có thể hơn được khu vực Thủ Thiêm – nơi chính mạch của dòng nước đại cát, đem lại phồn thịnh, phú quý, sung túc và an lạc đời đời cho cư dân trong vùng. Thế đất Thủ Thiêm là thế đất đẹp hiếm có theo phong thủy. Vùng Thủ Thiêm rất đắc địa để cư dân có thể lạc nghiệp an cư bởi thế đất lớn sẽ đem lại phúc lộc dồi dào, cơ nghiệp thịnh đạt, và sinh khí cát lợi do dòng sông mang đến hứa hẹn nhiều thành đạt trong công danh và cử nghiệp cho con cháu. Tóm lại, gia thế hưng thịnh, lộc tồn bền lâu, an lành phước thọ… có lẽ là lời chúc phúc trọn vẹn mà phong thủy dành tặng cho con người nơi đây. Ngày xưa, vua Lý khi dời đô về Đại La là bởi địa thế vượng niên của vùng đất ấy “ở giữa trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuốn hổ ngồi, chính giữa đông tây nam bắc, tiện núi sông sau trước, rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân không khổ về ngập lụt tối tăm, muôn vật tốt tươi phồn thịnh”(Chiếu dời đô). Ngày nay, lãnh thổ đã mở rộng ra phía nam, đất đai sông ngòi lại ưu ái tặng cho người Nam vùng đất đẹp như Sài Gòn, nhất là vùng cát lợi Thủ Thiêm, thì ấy là mệnh phước của cả dân tộc được phát triển phồn thịnh và lạc nghiệp lâu bền.

Hoàng Thu

(http://thethaovanhoa.vn/138N20100326034713…cua-sai-gon.htm)

Nhưng ngược theo thời gian, chúng ta có thể thấy không phải chỉ bây giờ, mà ngay cả khi Sài Gòn là một thành phố sầm uất với danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” thì bán đảo Thủ Thiêm vẫn là một khu vực có rất nhiều hộ dân có thể coi là nghèo, trình độ dân trí thấp. Dù về địa lý chỉ cách những khu vực sầm uất nhất của TP có một con sông Sài Gòn… Rõ ràng, đây là thực tế trái ngược với những nhận xét của các phong thủy gia khi áp dụng một cách máy móc những khái niệm phong thủy. Không những vậy, mà ngay cả với những quyết tâm – Từ những năm 2000. TP HCM đã có những qui hoạch phát triển cho tương lai khi mong muốn Quận 2, đặc biệt là khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ trở thành một trung tâm Thương mại – Tài chính của TP, nhằm có những bước đột phá chuyên sâu trong lĩnh vực này trong thời kỳ mới. Gần 10 năm trôi qua, cũng có một số nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn trong và ngoài nước tới xem xét. Nhưng việc phát triển Quận 2 theo đúng qui hoạch gần như vẫn còn dậm chân tại chỗ… Nếu chúng ta loại suy những yếu tố ngoại quan khác và phân tích những nguyên nhân khiến cho bán đảo Thủ Thiêm chưa phát triển, dưới góc nhìn theo Phong Thuỷ Lạc Việt thì vị trí địa lý ở đây có những khiếm khuyết lớn cần khắc phục với mục đích mang lại sự phồn vinh nơi đây.

Xét về Hình lý – Khí

Nhìn qua ảnh vệ tinh, ta thấy toàn bộ khu vực đô thị mới bán đảo Thủ Thiêm nằm theo trục Đông Bắc – Tây Nam. Mặc dù được bao bọc bởi sông Sài Gòn. Nhưng lại nằm bên “Tả Ngạn”, có thể thấy rằng toàn bộ khu vực bán đảo không phải là một nơi tụ khí với sự phân tích về khí của Phong thủy Lạc Việt. Về hình dáng, cả khu vực bán đảo như một chiếc chậu bông nông đáy để nghiêng, đổ toàn bộ sinh khí của cuộc đất ra phía miệng chậu (phương Đông Bắc). Toàn bộ bán đảo với rất nhiều kênh rạch, thêm một chỉ dấu rất rõ của một cuộc đất yếu, có thể ví như một bình bông bị nứt rạn nên càng khó có thể giữ được nguồn sinh khí của cuộc đất.

Khu vực từ Tây Bắc tới Tây (ô số 1):

Khí lực cuộc đất của khu vực này rất kém. Mặc dù có phà Thủ Thiêm & tuyến đường Lương Đình Của nối từ Quận 1 sang. Cách cục của âm dương giao trì nhưng hầu như khu vực này có thể coi là phát triển rất chậm và chỉ mang tính cục bộ , dân cư hầu hết chỉ tập trung ở khu vực bên trái của tuyến đường Lương Đình Của.

Khu vực từ Tây Nam- Nam (ô số 2):

Khí lực cuộc đất của toàn bộ dải này đã kém lại bị cộng hưởng tác động xấu của sông Sài Gòn càng làm cho khu này khí bị thoái mạnh, nên có thể thấy, dù mật độ dân số của dân cư Quận 2 ngày càng tăng nhưng khu vực này có thể coi là có mật độ cư dân rất thấp.

Khu Đông Bắc – Đông (ô số 3)

Diện tích của bán đảo Thủ Thiêm khoảng 7km2, như một chiếc chậu bông nông đáy khổng lồ đổ toàn bộ khí lực sang khu Đông (miệng bình) trôi tuột ra phía Đông, nên có thể thấy khu vực này không thể coi là tốt được theo Phong Thuỷ Lạc Việt. Tuy nhiên vì khí dồn vào góc phía Đông, nên ở đây có cơ hội phát triển. Đó chính là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên vì tổng thể vô khí, nên sự phát triển chậm chạp.

Dương khí qua các tuyến giao thông chính

Phong thủy quan niệm rằng: Những tuyến đường giao thông đều mang tới dương khí cho cuộc đất do tương tác của những phương tiện vận động, tính chất giống như những dòng sông chảy. Nhưng phân Âm Dương so với sông và là một sự tương tác với các khái niệm đồng đẳng theo Phong Thủy. Trên cơ sở này, chúng ta xem xét sự tương quan của nguồn khí do giao thông đem lại. Điều này tương tự như ở Bắc sông Hồng (Tả ngạn), trước đây vốn là vùng đất không phát triển. Nhưng từ khi những cây cầu bắc qua sông Hồng hình thành , như: Cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì….vv…xuất hiện thì trở thành khu đô thị trù phú.

Giao thông đi lại hiện tại trong bán đảo Thủ Thiêm, gồm 2 tuyến chính như sau:

Tuyến đuờng Trần Não từ chân cầu Sài Gòn cắt ngang qua đường Lương Đình Của kéo dài thẳng xuống khu vực phía Nam của bán đảo. Có tính chất tiếp khí từ cầu Sài Gòn và theo trục Bắc Nam. Nhưng do nằm không đắc cách, bị xéo tạo khúc gãy so với góc nhọn xa lộ Hà Nội. Đã vậy, tuyến đường khi chạy qua Thủ Thiêm thì dừng ở sông Sài Gòn, Như vậy, Dương khí bị bế không thông. Nên dù là đường lớn, nhưng việc kinh doanh ở tuyến đường này hầu như còn rất hạn chế. Tuyến đường Lương Đình Của từ phà Thủ Thiêm (Quận 1) đổ sang, chạy cắt ngang đường Trần Não từ ngày hợp tuyến với cầu Thủ Thiêm từ quận Bình Thành đổ sang và do tính tiếp khí tích cực của cây cầu này, cũng làm cho những hộ kinh doanh ở ven đường phát đạt hơn trước. Nhưng cũng chỉ mang tính cục bộ cho cư dân sinh hoạt hai bên đường. Qua đây, có thể thấy tại sao Khu đô thị mới Thủ Thiêm có vị trí rất gần Trung tâm TP, nhưng tốc độ phát triển qui hoạch lại diễn ra chậm trễ đến như vậy. Như vậy, theo quan điểm riêng của người viết từ góc nhìn của Phong thủy Lạc Việt, để khu đô thị mới Thủ Thiêm phát triển được theo đúng ý tưởng đề ra ban đầu thì rất có một qui hoạch thích hợp với vị trí Địa Lý cần tụ khí nơi đây. Người viết rất hy vọng rằng bài viết này dưới góc nhìn của khoa Phong Thủy sẽ góp phần cho khu đô thị Thủ Thiêm được tốt đẹp hơn với mục đích mang lại sự phồn vinh và phát triển của T/P chúng ta.